VAI TRÒ CỦA ĐỨC MẸ TRONG MẦU NHIỆM CỦA ĐỨC KITÔ VÀ GIÁO HỘI

Th5 30, 2023

Written by Br. Luke Csjb

Dẫn Nhập

Lumen Gentium là một trong bốn hiến chế nền tảng của Công Đồng Vaticano II. Muốn hiểu những văn kiện của Công Đồng, người ta trước hết phải hiểu hiến chế này. Hiến chế tín lý Lumen Gentium của Công Đồng Vaticano II, ban hành vào ngày 21/11/1964, trình bày bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội.

Hiến chế bắt đầu bằng việc gọi Đức Giêsu, là “ánh sáng muôn dân” (Lumen Getium) và là Đầu của Giáo hội, Thân mình của Ngài, bao gồm tất cả các tín hữu thuộc xã hội hữu hình ở trần gian cũng như cộng đoàn thiêng liêng trên trời. Đức Giêsu đã thiết lập và hằng nâng đỡ Giáo hội như dấu chỉ và khí cụ ân sủng của Ngài được trao ban cho muôn dân.

Phần lớn nội dung Hiến chế tập trung vào những vai trò và đặc sủng khác nhau của các thành phần trong Giáo hội – giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ – và cách thế để các chi thể chung bước trên đường lữ hành, làm chứng cho Đức Kitô trong thế gian bằng đời sống nên thánh, mời gọi người khác gia nhập hàng ngũ của mình và tiến tới sự hợp nhất toàn vẹn với Chúa, Mẹ Ngài, cùng toàn thể các thánh trên trời (Số 50). Trong hiến chế này, người viết khá quan tâm tới một trong những điểm nhấn chính yếu của hiến chế Lumen Gentium đó là “Vai trò của Đức Mẹ trong Mầu Nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội.”[1]

Thật vậy, hiến chế Lumen Gentium muốn hướng các tín hữu đến với Đức Maria, như là “chi thể trổi vượt độc đáo nhất của Giáo hội” và là “mẫu gương nhân đức” (Số 65).  Mẹ Maria được cứu chuộc “cách kỳ diệu” nhờ công nghiệp của Đức Giêsu (ngay cả trước khi Ngài nhập thế) và “được rước lên trời”, là thụ tạo đầu tiên được hưởng hoa quả cứu chuộc của Đức Kitô. Mẹ tự do chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở thành mẹ của Đức Kitô và cộng tác với Ngài. Do đó, thật chính đáng khi gọi Mẹ là “Mẹ các chi thể của Đức Kitô,” vì mẹ chuyển cầu cho tất cả mọi người và dẫn họ đến với con của Mẹ. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn trình bày cách tổng quát vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm của Giáo Hội để mong có một cái nhìn đúng đắn và mới mẻ hơn.

1.Cái nhìn sơ lược về Đức Trinh Nữ Maria trong chương trình cứu độ

Đức Maria được đặt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: khi đến thời viên mãn, Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ do quyền năng của Thánh Thần, ngõ hầu loài người được trở nên con cái Thiên Chúa (x. Gl 4,4-5). Sự hạ cố của Thiên Chúa được tiếp nối trong Hội thánh, nơi mà các phần tử, ngoài việc kết hợp với đức Kitô, còn liên kết với tất cả các thánh và tôn kính Thánh mẫu.[2] Như vậy, một đàng Đức Maria được nhìn trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, đàng khác cũng nêu bật địa vị của Người trong Hội thánh (nền tảng của việc tôn kính đặc biệt).

2. Đức Maria – Mẹ Giáo Hội

Ngày 21/11/1964, khi kết thúc phiên họp thứ 3 của Công Đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố Đức Maria là mẹ của Giáo hội. Thật vậy, hiến chế tín lý về giáo hội Lumen Gentium đã dành riêng chương VIII để nói về Đức Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội, Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Đây không phải là một định tính chính thức-từ ngai tòa, mang nghĩa là một tín điều và buộc phải tin, nhưng là một định nghĩa và là hành động nổi bật trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố: “vì vinh quang của Đức Trinh Nữ và niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tuyên bố, Đức Maria thánh thiện là Mẹ của giáo hội, nghĩa là của toàn thể mọi Kitô hữu, các tín hữu và các mục tử gọi Mẹ là người mẹ thân thương nhất. Chúng tôi quyết định rằng, từ đây toàn thể dân Kitô giáo với tên gọi ngọt ngào nhất này, mang lại vinh dự lớn hơn cho Mẹ Thiên Chúa và gởi lời cầu khẩn đến Mẹ”.

Danh hiệu Mẹ Giáo Hội dựa trên tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria, ngang qua Ngôi Lời trở nên xác phàm và sự hợp nhất của Mẹ với chính Ngôi Lời như là đầu của thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội. Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô – Đấng ngay lập tức nhập thể vào cung lòng trinh khiết của Mẹ, đã tự mình trở thành người đứng đầu thân thể mầu nhiệm của mình là Giáo hội. Do đó, Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô và sẽ được coi là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Giáo hội. Danh hiệu Mẹ Giáo hội đã có từ lâu trong lịch sử của Giáo hội, tuy không được thường xuyên nhắc đến. Vào thời Trung Cổ, Đức Maria được gọi là Mẹ của muôn dân và Mẹ của Kitô hữu.[3] Thánh Phêrô Đamianô đã gọi Giáo Hội đến từ Đức Maria, hay Thánh Bônaventura đã nói: “Giáo hội có nguồn gốc từ Đức Maria”. Người đầu tiên sử dụng danh hiệu Mẹ Giáo Hội dường như là Bêrengô, Đức Maria là Mẹ Giáo Hội bởi vì Mẹ đã sinh hạ Đấng là đầu Giáo Hội.

Vào thế kỷ XIII, một tu sĩ dòng Xitô gốc Anh cũng đã tuyên bố, Đức Maria dường như là Mẹ của Giáo hội, vì Mẹ chắc chắn là Mẹ của đầu-không phải vô tình. Mẹ cũng được hiểu là Mẹ của thân thể. Do đó, Giáo hội là con và Đức Maria là Mẹ của Giáo hội. Vào năm 1748, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đã tuyên bố, Giáo hội công giáo được Chúa Thánh Thần dạy dỗ luôn tận hiến và biểu lộ lòng tôn kính cũng như sự tôn sùng Đức Maria như là một người Mẹ yêu thương nhất. Năm 1895, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong thông điệp Adiutricem Populi – Đấng trợ giúp dân thánh, đã tuyên bố: “Đức Maria thực sự là Mẹ Giáo hội, là thầy dạy và Nữ vương các Tông Đồ”. Năm 1904, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X trong thông điệp Ad Diem illum Laetissimum vào ngày hồng phúc đã nhắc lại sự kết hiệp của các tín hữu với Chúa Kitô – Đầu của họ trong cung lòng của Đức trinh nữ Maria

Danh hiệu Mẹ Giáo hội được tìm thấy trong Kinh Thánh nơi chính lời trăn trối của Đức Kitô trên Thánh Giá hướng đến Đức Maria và Thánh Gioan tông đồ – đây là con của bà – đây là Mẹ của anh. Thánh Gioan được trao cho Đức Maria làm Mẹ của mình và Thánh Gioan đại diện cho tất cả những người đi theo Chúa Kitô, Thánh Gioan đại diện cho Hội thánh. Danh hiệu Mẹ Giáo hội cũng được suy tư và tìm thấy nơi khởi đầu công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Thật vậy, nơi biến cố nhập thể của con Thiên Chúa, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời trong sự thanh sạch của tâm hồn và thụ thai cùng sinh hạ Đấng cứu độ trong dạ đồng trinh, thì Mẹ cũng sinh dưỡng và chăm sóc công trình của Đấng cứu thế là Hội thánh như vậy.

Tôn dương Đức Maria là Mẹ của Giáo hội, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện như Mẹ đã sống như trong hiến chế tín lý về giáo hội đã tuyên bố. Tuy nhiên Giáo hội qua con người của Đức trinh nữ Maria, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền. Nhưng Kitô hữu vẫn còn phải chiến thắng tội lỗi để tiến bước trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Đức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Sống mẫu gương thờ phượng trong Thần khí, trong tinh thần phụng vụ, yêu mến và trung thành với Giáo hội cho đến chết. Một Giáo hội không chỉ bao gồm những người là thành viên tích cực mà còn tất cả những người là thành viên tiềm năng, nghĩa là tất cả những người Chúa Kitô đã chết và cứu độ.

3. Vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, giữ một vai trò đặc biệt và cao quý trong Hội Thánh, nhưng Lumen Gentium kêu gọi các tín hữu tôn Mẹ trong nội dung giáo lý chân chính và những giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến Mẹ. Lumen Gentium nói rằng trong công trình cứu độ, Đức Mẹ đóng vai trò Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ nổi bật trong những số người nghèo khổ và khiêm hạ của Chúa, là những người tin tưởng mong chờ ơn cứu độ của Người. Mẹ không hợp tác với Thiên Chúa một cách thụ động nhưng qua đức tin và việc tự nguyện vâng phục.

Tuy chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng vì là Mẹ Đức Kitô thì cũng là Mẹ Hội Thánh và là nhiệm thể Người. Mẹ cũng có nhiệm vụ chăm sóc và bầu cử cho chúng ta qua Đức Kitô. Mẹ kết hợp với Đức Kitô thế nào thì cũng kết hợp với Hội Thánh như thế. Hơn nữa, Mẹ là mẫu gương cho Hội Thánh và các tín hữu.[4] Các môn đệ Đức Kitô đang cố gắng nên thánh phải nhìn lên Đức Mẹ như mẫu gương nhân đức, suy niệm về Mẹ trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể và noi gương Mẹ.

Hiến chế Lumen Gentium khuyên nhủ các tín rằng những hình thức khác nhau trong việc sùng kính Mẹ Thiên Chúa mà Hội Thánh đã phê chuẩn trong phạm vi giáo lý chắc chắn và chính thống đảm bảo rằng trong khi Mẹ được tôn vinh, thì Chúa Con, mà nhờ Người mọi sự được tạo thành và trong Người mà Chúa Cha được đẹp lòng cùng tất cả sự viên mãn cư ngụ, cũng phải được biết đến, yêu mến và tôn vinh, và giới răn của Người được tuân giữ. Trong khi cảnh báo các tín hữu về việc sùng kính Đức Mẹ, Lumen Gentium cũng khuyến khích các giáo sĩ cổ võ lòng sùng kính Mẹ, giữ lại những sắc lệnh đã được đưa ra trước đây về việc tôn kính hình ảnh Đức Kitô, Đức Mẹ và các Thánh, và cũng yêu cầu tránh những hình thức sùng kính thái quá.

4. Vai trò của Mẹ Maria trong đời sống các Kitô hữu

Giáo hội khẳng định một cách mạnh mẽ về vai trò của Đức Maria trong lời Kinh Kính Mừng rằng, “Kính mừng Maria đầy ân phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Quả thế, Đức Maria trong đời sống các tín hữu tựa như một “chiếc cầu nối tâm linh” nối kết các tâm tình của người tín hữu đến cùng Thiên Chúa. Chính khi ý thức về vị thế ấy của Đức Maria, các tín hữu thể hiện lòng tôn kính với Mẹ không chỉ ở nơi các nghi lễ phụng tự mà còn thể hiện qua chính đời sống thực hành thường nhật.[5] Đức tin Kitô giáo cần phải được tuyên xưng, cử hành, cầu nguyện và được sống mỗi ngày. Thế nhưng, đức tin ấy cũng cần phải được biểu lộ trong cách thế có ý thức và với niềm xác tín. Vậy chúng ta cần phải hiểu về vị thế của Đức Maria trong mối tương quan giữa người tín hữu với Thiên Chúa như thế nào?

a. Nguyên tắc thần học: Từ Đức Kitô tới Mẹ Maria

Trước tiên, qua việc suy ngẫm về các đoạn văn Kinh Thánh. Chúng ta có thể nhận ra rằng, Đức Maria luôn đứng gần kề với Chúa Giêsu và gần như không thể tách rời, cụ thể, là trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Từ lúc Ngôi Lời nhập thể đi vào lịch sử của nhân loại cho đến lúc hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá, Đức Maria vẫn luôn hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu. Bởi vậy, sự liên kết với Chúa Giêsu cũng đi kèm sự liên kết với Thân Mẫu của Ngài.            

Thứ đến, hiến chế Lumen Gentium cũng nhấn mạnh tới việc năng chiêm ngắm cuộc sống của Đức Maria. Thật vậy, chúng ta thấy Mẹ quả là một con người đã sống trọn vẹn lý tưởng cao quý của Tin Mừng. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu trong việc lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thêm nữa, chính trong đức tin và niềm phó thác, Đức Maria còn trở nên một nhân chứng can trường trong việc chiêm niệm, ân cần thăm viếng tha nhân và chia sẻ niềm vui của sự tín thác nơi Thiên Chúa.

Và sau cùng, theo lời thánh Phaolô định nghĩa, nếu cuộc đời của người Kitô hữu là đời sống trong Chúa Thánh Thần, thì Đức Maria chính là hiện thân và là gương mẫu sống động nhất cho hình ảnh đó nơi người Kitô hữu. Chính vì tin tưởng vào quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần đến ở cùng với Giáo hội để hướng dẫn và kiện toàn mọi sự (x. Cv 1,14).

b. Áp dụng vào đời sống của người tín hữu

Thật ra, trên nguyên tắc, con người được Thiên Chúa trao ban cho khả năng tự do chọn lựa, quyết định để đi theo Ngài hay chống lại Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, cho dù con người chống lại Thiên Chúa đi chăng nữa, thì không vì thế mà họ trở nên độc lập và vô chủ. Con người luôn là một thụ tạo lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Cách riêng, chúng ta – là những người tín hữu theo Đức Kitô, đã muốn thuộc về Thiên Chúa qua lời cam kết khi chịu phép Rửa Tội. Bởi thế, chúng ta không phải là những thụ tạo vô chủ. Nhưng trái lại, chúng ta là những thụ tạo đã hứa tuân giữ và sống theo gương mẫu của Đức Kitô, và sống để phục vụ mọi người. Hay nói theo cách chính xác hơn, chúng ta không còn thuộc về chúng ta hay thuộc về bất cứ ai khác, nhưng chúng ta đã thuộc trọn về Thiên Chúa và đã tận hiến cho Ngài.

Hiểu như thế để thấy việc người tín hữu dâng mình cho Đức Maria sẽ mang một ý nghĩa khác. Việc dâng hiến đó, theo như thánh Louis de Montfort, là dịp để người tín hữu nhớ lại những lời cam kết với Đức Kitô lúc lãnh nhận phép Rửa Tội. Chính trong lúc thánh thiêng ấy, chúng ta nhìn lên Đức Maria như là một mẫu gương sống động của một người tín hữu đã sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa Kitô, và là mẫu gương tinh tuyền của sự dâng hiến cho Thiên Chúa. Ngoài ra, dựa vào lời ký thác của Đức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng mạnh dạn đón rước Đức Maria về nhà mình, chia sẻ với gia đình, cách riêng trong đời sống theo chân Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Người tín hữu đón rước Đức Maria về nhà mình, nhìn nhận Người như là “Mẹ thiêng liêng”, như một người không những đã sống trọn vẹn lý tưởng Tin Mừng, mà còn là người dìu dắt họ tiến lên trên con đường thánh thiện với lòng ân cần và âu yếm. Đồng thời, người tín hữu biết tín thác và nhờ Mẹ Maria dẫn dắt, chia sẻ những thành công hay thất bại trên đường đời.

Kết Luận

Công đồng Vaticano II đã khẳng định một cách phổ quát rằng “đang khi Giáo Hội, qua Đức Trinh Nữ, đã đạt tới sự thánh thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền không vết nhơ, thì các tín hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên con đường thánh thiện”. Thật vậy, chúng ta không thể tách rời Ðức Mẹ ra khỏi Ðức Kitô trong công trình cứu độ của Người.  Thiên Chúa đã mở đầu Thánh Kinh bằng việc tiên báo sự chiến thắng ma quỷ của Ðức Mẹ và Ðức Kitô.  Ngài cũng kết thúc Thánh Kinh bằng cách cho chúng ta thấy vai trò Ðức Mẹ trong việc cưu mang và che chở Nhiệm Thể Ðức Kitô và đương đầu với sự dữ (Kh 12:1-6). Vậy coi thường việc tôn sùng Ðức Mẹ chính là coi thường thánh ý Thiên Chúa.  Và không ai có hy vọng được cứu rỗi nếu không có sự che chở và can thiệp của Mẹ, vì Thiên Chúa đã trao Ðức Kitô là kho tàng ơn cứu độ cho Mẹ, và Chúa Thánh Thần, nguồn ơn thánh hóa luôn kết hợp cùng hiền thê của Ngài là Mẹ để thánh hóa các chi thể của nhiệm thể Ðức Kitô là Hội thánh.

Xin kết thúc bằng cách mượn lời Thánh Bernađô: “Nếu một trong hai việc này là tội thì tội nào dễ được tha trước mặt Chúa hơn – Một là kính mến Đức Mẹ quá nhiều và hai là kính mến Đức Mẹ quá ít?”.

Written by Br. Luke Csjb


[1] ĐGM Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt – Việt Nam, 239.

[2] Lm. Joachim Nguyễn Văn Liêm, Giải thích Thần học – Mầu nhiệm Thiên Chúa Thánh Mẫu, Nxb Tôn giáo 1999.

[3] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Đức Maria Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, Nxb Tôn giáo 2000.

[4] ĐGM Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt – Việt Nam

[5] Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, Nxb Tôn giáo 2005.